Mật ong không tốt cho trẻ sơ sinh? - Tạp chí Thế giới Gia Đình 9/2012


Ngoài sự bổ dưỡng, mật ong còn có thể dùng để chữa nhiều bệnh. Vì vậy, nhiều bà mẹ thường sử dụng chúng để rơ miệng, lưỡi cho bé hay trộn chung với các món ăn thay đường để trẻ dễ ăn hơn. Ít ai biết rằng mật ong cũng kén đối tượng sử dụng, nhất là với trẻ sơ sinh.


Theo lương y Trần Hoàng Bảo, trong Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, có nhiều công dụng như: trị ho khan, táo bón, dùng ngoài trị vết thương không lành, vết bỏng, tay chân nứt nẻ... Tuy nhiên, phụ huynh không nên sử dụng chúng cho trẻ dưới một tuổi.


Lưu ý khi dùng cho trẻ
Theo quan niệm dân gian, nhiều bà mẹ hay dùng mật ong để rơ miệng hoặc cho trẻ sơ sinh uống để trị ho, táo bón… Tuy nhiên, trong quá trình ong chọn phấn hoa làm mật, có thể mang phải phấn hoa bị nhiễm loại vi khuẩn Clostridium botulinum, khiến mật ong bị nhiễm khuẩn. Trong khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn yếu, chức năng giải độc của gan cũng hạn chế nên rất dễ bị trúng độc. Lương y Hoàng Bảo cho biết: “Trẻ trúng độc do mật ong sẽ xuất hiện táo bón 1 - 3 tuần. Sau đó, trẻ bị liệt cơ, tiếng khóc yếu, bú kém kèm theo khó thở... Tôi khuyến cáo phụ huynh nào có con dưới một tuổi, không nên cho trẻ dùng mật ong”.
Ngược lại, với trẻ trên một tuổi và người lớn, dùng mật ong rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, thời gian và cách dùng sao cho hiệu quả cũng cần được lưu ý. Theo các chuyên gia, vào buổi sáng nên uống một ly nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc trước khi dùng mật ong ít nhất 15 phút thì mật ong mới phát huy hiệu quả phòng và trị bệnh. Thời gian còn lại trong ngày, bạn nên dùng mật ong trước bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ hoặc sau bữa ăn 1 - 2 giờ.
“Khi dùng mật ong, bạn nên pha với nước ấm để cơ thể dễ hấp thụ hơn. Ngoài ra, mật ong có chứa nhiều enzym, vitamin và khoáng chất nên không pha mật bằng nước sôi để màu sắc, mùi vị và thành phần dinh dưỡng không bị giảm đi”, lương y Hoàng Bảo nhấn mạnh.


Đừng đùa với mật ong
Theo Đông y, những trường hợp sau đây không nên dùng mật ong. Bởi lẽ, chúng có thể gây bất lợi cho sức khỏe:
- Không nên ăn chung với tàu hũ nước đường. Tàu hũ vị ngọt, mặn, tính hàn, có thể thanh nhiệt tán huyết. Ăn chung với mật ong sẽ gây tiêu chảy. Nhiều loại enzyme trong mật ong và khoáng chất, protein thực vật... trong tàu hũ “gặp nhau” sẽ phản ứng sinh hóa không có lợi cho cơ thể.
- Không nên ăn chung với hẹ. Hẹ giàu vitamin C, dễ dàng bị các khoáng chất đồng, sắt... trong mật ong ô-xy hóa, mất tác dụng. Ngoài ra, mật ong có tác dụng nhuận tràng, hẹ giàu chất xơ sẽ gây tiêu chảy.
- Không nên ăn chung với hành. A-xít hữu cơ, men có trong mật ong gặp phải a-xít amin có trong hành sẽ gây phản ứng sinh hóa không có lợi cho cơ thể, hoặc sản sinh chất độc, gây kích thích ruột khiến người dùng bị tiêu chảy.
- Không được dùng nước sôi pha mật ong. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 350C.
- Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể dùng mật ong nhưng dùng lượng ít và được thầy thuốc theo dõi, chỉ định.
Cách phân biệt mật ong thật
Mật ong thật có chứa protein, enzyme sinh học, khoáng chất, vitamin và phấn hoa thực vật nên có chút vẩn đục. Còn mật ong giả trong suốt và sáng. Dựa vào tính chất này, chúng ta có hai phương pháp thử đơn giản, rất nhanh và khá chính xác.
- Lấy tay để ở mặt sau chai thủy tinh chứa mật ong. Nếu nhìn xuyên qua chai mật mà không thấy rõ các ngón tay thì là mật ong thật. Còn mật ong giả sẽ nhìn thấy rõ từng ngón tay.
- Lấy ít mật ong cho vào chai thủy tinh có chứa nước lọc (tỷ lệ mật và nước là 1/4). Sau đó, lắc đều khoảng 30 giây. Nếu mật ong thật thì thấy nước vẩn đục, có nhiều bọt, để lâu bọt cũng khó tan. Còn mật ong giả rất trong suốt, có ít bọt và nhanh chóng tan vào nước.
Lương y Nguyễn Thị Ngọc Trang (Hội Đông y Biên Hòa, Đồng Nai)
HOÀI PHƯƠNG

♥️ Tư vấn miễn phí
📞️   0908026179 Zalo - Trần Hoàng Bảo

Tư vấn trên Fanpage