Vảy phấn hồng (玫瑰糠疹) (pityriasis rosea)













Vảy phấn hồng là một bệnh ngoài da thường gặp trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên với biểu hiện bắt đầu bằng một đốm hồng ban tróc vảy trên da ở vùng ngực, bụng, lưng, sau đó lan ra khắp người gây ngứa hoặc ngứa dữ dội. Bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 4 - 8 tuần. Tuy nhiên những biểu hiện của bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác như lang ben, nấm da, chàm, vẩy nến...
 Đốm hồng ban của bệnh vảy nến hồng.
Tổn thương do bệnh vảy nến.
Tổn thương do bệnh lang ben

Bệnh vảy phấn hồng điển hình thường bắt đầu bằng một đốm hồng ban rộng lớn, tróc vẩy, hơi nhô cao trên bề mặt da ngực, bụng, lưng. Sau đó trong khoảng vài ngày đến vài tuần, nhiều đốm hồng ban nhỏ hơn khoảng 0,5 - 2cm, tróc vảy tiếp tục xuất hiện khắp ngực, lưng, bụng, xếp giống hình vảy cá, có thể gây ngứa hoặc ngứa dữ dội.  Ở người có làn da sậm màu, tổn thương có thể có màu xám, nâu sậm hoặc trắng. Khoảng 50% số bệnh nhân bị vảy phấn hồng có thêm các triệu chứng như: nghẹt mũi, đau cổ họng, ho,... trước khi xuất hiện các đốm hồng ban.
Người bệnh bị vảy phấn hồng nếu đi khám sẽ được các bác sĩ chuyên khoa da liễu chẩn đoán chính xác và nhanh chóng dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên trong giai đoạn bệnh mới khởi phát vảy phấn hồng cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh ngoài da khác như: lang ben, nấm da, chàm, vảy nến,... Thực tế cũng có rất nhiều người bệnh nhầm lẫn cho rằng mình bị nấm, lang ben, vảy nến dựa trên biểu hiện đốm hồng ban tróc vảy và ngứa nên đã tự ý dùng các loại thuốc chữa các bệnh trên không những không khỏi được bệnh mà còn có thể làm nặng thêm các triệu chứng,... 
Trong phần lớn các trường hợp bệnh vảy phấn hồng thường tự khỏi sau 4 - 8 tuần mà không cần điều trị bằng thuốc. Các hồng ban có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại sẹo trên da. Nếu người bệnh có làn da sậm màu  có thể lưu lại các đốm nâu không mất hẳn. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần đi khám tại các chuyên khoa da liễu nếu xuất hiện nhiều mảng hồng ban rộng lớn, tróc vảy khắp vùng ngực, lưng, bụng hay có thêm ở cả mặt, chân, tay, ngứa nhiều, mệt mỏi,... để bác sĩ có chỉ định điều trị thích hợp và cũng để được chẩn đoán loại trừ các bệnh khác. Ngoài ra người bệnh cần giữ vệ sinh thân thể, tránh các hoạt động thể lực ra nhiều mồ hôi gây ngứa khó chịu, nghỉ ngơi trong điều kiện nhiệt độ thoáng mát.      
Bác sĩ  Thúy An
(SKĐS)