Măng là thực phẩm được nhiều bà nội trợ ưa chuộng nên thường được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon. Thế nhưng, cũng có không ít người e dè khi ăn măng vì cho rằng măng dễ làm đau lưng và gây ngộ độc.
Lương y Trần Hoàng Bảo Phòng khám Đông y Bảo An Đường
Bất kỳ thực phẩm nào, dù có tốt đến đâu đi nữa nhưng khi quá lạm dụng đều ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Măng cũng không ngoại lệ, dù chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, măng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hại nếu chế biến không đúng cách hoặc ăn vô tội vạ.Giá trị dinh dưỡng cao
Măng được xếp vào nhóm rau tươi giàu dinh dưỡng, cung cấp nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe. Lương y Trần Hoàng Bảo cho biết: “Cứ 100g măng tươi có chứa 41g protein, 0,1g chất béo, 5,7g carbohydrate, 1g cellulose, 22mg can-xi... Ngoài ra, măng còn có hàm lượng vitamin D, A cao hơn nhiều so với rau bình thường”.
Bên cạnh đó, măng cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, rất giàu ma-giê trong khi hàm lượng chất béo lại thấp nên là loại thực phẩm tốt, có thể phòng trị táo bón, phòng ngừa ung thư đại tràng và các loại ung thư khác.
Trong Đông y, măng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, lợi tiểu tiêu phù và cầm tiêu chảy nên được nhiều người ưa chuộng, kết hợp chế biến món ăn với chữa bệnh.
Ăn sao mới tốt?
Theo BS. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, ăn nhiều măng thật sự không tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người suy nhược cơ thể. Do măng chứa một lượng lớn cyanide, dễ dàng chuyển hóa thành a-xít cyanhydric khi thực hiện chức năng ô-xy hóa tế bào hồng cầu nên làm ảnh hưởng đến việc lưu thông ô-xy trong máu.
Còn lương y Trần Hoàng Bảo cho biết, măng chứa nhiều a-xít oxalic, cản trở khả năng hấp thu can-xi của cơ thể. Vì thế, người bị hạ can-xi, loãng xương, còi xương và trẻ con không nên ăn nhiều. Đối với những người bị viêm khớp, bệnh gout ăn măng càng dễ làm viêm đau các khớp, dẫn đến đau lưng càng nhiều. Còn đối với những người mắc bệnh khác, khi ăn nhiều măng dễ bị tức ngực, khó thở, bủn rủn chân tay, có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn…
A-xít oxalic có trong măng còn cản trở sự hấp thụ kẽm (đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình dục nam giới), dẫn đến suy giảm chức năng tình dục. Vì vậy, người có chức năng tình dục kém không nên ăn nhiều. Ngoài ra, măng còn chứa can-xi oxalate không hòa tan không tốt cho người bị loét dạ dày, viêm ruột mãn tính, sỏi đường tiết niệu... nên cần lưu ý khi sử dụng.
Để loại trừ độc tố trong măng, bà nội trợ nên đem măng ngâm qua nước muối và luộc trước khi chế biến. “Khi mua măng về, lập tức thái đôi theo chiều dọc, lột bỏ lá, bỏ rễ. Sau đó, thái thành miếng nhỏ, ngâm nước muối khoảng 10 phút rồi luộc qua nước sôi. Khi nồi măng sôi, cần mở nắp cho chất độc bay hơi. Có như vậy mới có thể loại bỏ hết độc chất và vị chát, đề phòng trúng độc”, lương y Trần Hoàng Bảo khuyên.
Ứng dụng của măng trong Đông y
- Trị ho đàm nhiệt: Canh măng nấu với thịt.
- Trị phù thũng bụng nước do viêm thận, bệnh tim, bệnh gan: Lấy 60g măng tre và 30g vỏ bí đao, nấu nước uống hàng ngày.
- Trị chứng tả lỵ lâu ngày: Dùng măng tre nấu cháo trắng với liều lượng vừa phải.
- Hầm măng tre nấu với thịt gà, thịt heo làm món ăn bổ dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ.
- Các món ăn từ măng cũng đề phòng bệnh suyễn, tiểu đường, cao huyết áp, mất ngủ.
HOÀI PHƯƠNG
Nguồn http://thegioigiadinh.com.vn/am-thuc/an-de-khoe/2569/an-mang-dau-lung.html