Nước trái cây kỵ thuốc


Vì sợ thuốc đắng, nhiều người đã dùng các loại nước trái cây để uống thuốc. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trừ nước lọc, những loại nước khác, nhất là nước ép trái cây, có thể làm giảm tác dụng của thuốc. 
Theo Lương y Hoàng Bảo, trái cây có bốn tính chính: hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm), lương (mát). Uống thuốc có tác dụng thanh nhiệt thì không dùng chung với những loại nước trái cây có tính nóng như nhãn, vải, sầu riêng… Ngược lại, khi uống thuốc để trừ hàn thì không nên dùng nước trái cây có tính lạnh, mát như dưa hấu, lê hay dừa... Uống thuốc với loại nước trái cây không thích hợp sẽ làm thuốc không phát huy hết công hiệu.
Giảm công dụng
Phần lớn các loại nước trái cây đều chứa một số chất có thể phản ứng hóa học với thuốc. Những phản ứng hóa học xảy ra có thể làm ức chế hoặc khuếch đại hiệu quả của thuốc. Cụ thể là:
+ Nước bưởi, cam hoặc táo ép sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu dược chất của cơ thể. Do đó, dùng chúng uống thuốc sẽ không đạt được hiệu quả điều trị bệnh. Ngoài ra, nước bưởi còn có thể gây tác dụng phụ. Dùng nước bưởi uống thuốc statin trị rối loạn lipid máu, thuốc atenolol trị tăng huyết áp... sẽ làm tăng độc tính của thuốc bởi vì chất naringin có trong nước bưởi sẽ ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan.
+ Nước cam và nước táo có thể sản sinh một chất độc hại ở đường ruột làm cản trở sự vận chuyển thuốc vào máu.
+ Nước chanh có thể làm một vài kháng sinh như: ampicillin, erythromycin, lincomycin mất tác dụng. Điều này không tốt cho sức khỏe bệnh nhân.

Nên dùng nước lọc
Vì những tác hại kể trên, các bác sĩ khuyên người bệnh không nên dùng nước trái cây để uống thuốc. Thay vào đó, nên uống thuốc với nước lọc đun sôi để nguội hoặc hơi ấm. Nước đun sôi sẽ loại bỏ nhiều tạp chất gây hại cho cơ thể. Mặt khác, loại nước này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những phản ứng hóa học có thể xảy ra khi uống thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý là nước uống thuốc không nóng hơn 50oC vì một số loại thuốc sẽ gây phản ứng vật lý hoặc hóa học ở nhiệt độ cao, ảnh hưởng đến công dụng của thuốc. Chẳng hạn, thuốc hỗ trợ tiêu hóa, vitamin, sirô ho, thành phẩm Đông y nếu uống với nước quá nóng sẽ làm mất đi thành phần hoạt tính của thuốc.

Bạn cần biết
Thành phần chính của trái cây là đường fructose, không cần tiêu hóa mà trực tiếp hấp thu vào ruột non. Còn cơm, thức ăn chứa protein… cần lưu lại trong dạ dày từ 1 - 2 giờ hoặc lâu hơn để tiêu hóa dần. Nếu uống nước trái cây ngay sau bữa ăn, thức ăn có trong dạ dày sẽ hòa lẫn với nước trái cây, khiến quá trình tiêu hóa chậm lại. Hơn nữa, nước trái cây sẽ bị nhiệt độ cơ thể tác động nên dễ hỏng và phát sinh độc tố, gây bệnh. Vì vậy, chúng ta chỉ nên dùng nước ép trái cây sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Thời điểm thích hợp
Uống nước ép trái cây vào buổi sáng có thể giúp nhuận trường. Hương vị chua chua ngọt ngọt của nước ép cũng có tác dụng làm cho tinh thần người uống cảm thấy sảng khoái, giúp tâm trạng phấn khởi. Ngược lại, dùng nước trái cây vào buổi tối, không có lợi cho tiêu hóa, nhất là nước ép các loại trái cây có chất xơ cao. Người có dạ dày yếu cũng không nên dùng nước ép trái cây vì chúng không tốt cho quá trình tiêu hóa.

(Nguồn Thế giới gia đình )